BỆNH VIÊM GAN A
ĐẠI CƯƠNG
• Bệnh viêm gan A rất dễ lây qua thức ăn nước uống, nên hầu như tất cả chúng ta nếu sinh trưởng tại quê nhà đều đã bị lây bệnh này (mà không hề hay biết).• Bệnh thường không gây ra một triệu chứng nào, và nếu có, không cần chữa tự nhiên cũng hết.
• Bệnh có thể chích ngừa được. Thuốc rất an toàn và công hiệu.
• Bệnh không gây ra bệnh viêm gan kinh niên, nên sẽ không đưa đến chai gan và ung thư gan như các bệnh viêm gan B, C và D.
• Người được miễn nhiễm, khi thử máu chất đề kháng HAV-IgG sẽ dương tính.
LỊCH SỬ
Dựa theo lịch sử y khoa, bắt đầu từ thế kỷ thứ 5 trước Chúa giáng sinh người ta đã mô tả những dịch vàng da (jaundice outbreaks) xẩy ra tại nhiều nơi khác nhau trên thế giới, nhất là ở những thành phố lớn đông dân cư hoặc các trại lính chật chội. Bệnh nhân đang sống rất khỏe mạnh, bỗng dưng bị đau bụng, tiêu chảy và vàng da.
Trong Ðệ Nhị Thế Chiến một cơn dịch cảm cúm lan tràn nhanh chóng tại Ðức quốc với khoảng 200 ngàn lính Mỹ và hơn 5 triệu dân địa phương bỗng dưng ngã bệnh. Lúc bấy giờ vì chưa hiểu rõ nguyên nhân một cách chính xác, họ đinh ninh rằng bệnh nhân bị ngộ nước hoặc trúng độc. Rồi vào những năm 1930 với phẫu thuật lấy tế bào gan gọi là sinh thiết gan (liver biopsy) để khảo nghiệm dưới kính hiển vi, y khoa đã tiến một bước rất dài trong việc định bệnh viêm gan. Nhưng tới mãi năm 1973 người ta mới nhận diện được hình thù vi khuẩn viêm gan A trong cơ thể của người bệnh. Với sự khám phá này, y khoa đã tìm được nguyên nhân chính của những "cơn ngã nước"bí ẩn ngày xưa. Vào đầu năm 1988, bệnh viêm gan A lại một lần nữa đột xuất và lan rộng một cách nhanh chóng tại thành phố Shanghai. Chỉ trong vòng 2 tháng trời, hơn 300,000 dân chúng tại đây đã bị bệnh viêm gan A, gây ra nhiều thiệt hại đáng kể. Ngay cả trên nước Mỹ, viêm gan A đã và đang là một căn bệnh truyền nhiễm đáng ngại, với khoảng 10 đến 20% bệnh nhân viêm gan A phải nhập viện chữa trị, gây ra tổn phí hơn 200 triệu dollars vào năm 1989, tương đương với hơn 300 triệu dollars cho năm 1997.
CÁCH THỨC LÂY BỆNH VIÊM GAN A
Virus viêm gan A được tìm thấy trong mồ hôi, nước bọt, nước tiểu, nhưng nhiều nhất vẫn là phân của người có bệnh. Virus viêm gan A theo thức ăn, nước uống nhiễm khuẩn xâm nhập vào cơ thể của chúng ta. Một trong những phương thức lây bệnh khá thông thường là tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp với nước bọt của bệnh nhân viêm gan A trong thời kỳ ủ bệnh:
Trong thiên nhiên, virusviêm gan A được tìm thấy khắp nơi trên thế giới, nhưng vẫn nhiều nhất ở các nước chậm tiến, kém mở mang, thiếu vệ sinh. Khi virus viêm gan A theo thức ăn hoặc nước uống xâm nhập vào cơ thể, chúng sinh sôi nẩy nở một cách nhanh chóng trong các tế bào gan. Từ đó chúng theo ống dẫn mật xuống đường ruột và theo phân đi ra ngoài. Nhờ vào một lớp vỏ kiên cố, virus viêm gan A có thể sống sót trong vòng nhiều năm với nhiệt độ đông lạnh như 20 độ C. Hoặc khi bị phơi khô, virus viêm gan A vẫn tiếp tục giữ trạng thái nguyên vẹn trong vòng nhiều tuần lễ. Trong ao lầy các loại ốc sò có thể bị nhiễm trùng. Nếu không được nấu kỹ, chúng có thể gây ra bệnh viêm gan A. Ngay cả tắm ao hoặc hồ bơi công cộng khi không đủ chất Chlorine cũng có thể là một trong những nguyên nhân bị lây bệnh viêm gan A. Khi đun sôi thức ăn (hơn 85 độ C) trong vòng 1 phút, virus viêm gan A sẽ bị tiêu hủy dễ dàng.
AI CÓ THỂ BỊ VIÊM GAN A?
Tại những nước chậm tiến khi người nông dân tiếp tục dùng phân người trong việc trồng trọt tưới rau, hoặc hệ thống cầu cống không được tẩy uếã cẩn thận, hoặc những nơi đông dân cư thiếu vệ sinh, bệnh lan tràn một cách tự do, nhanh chóng và dễ dàng.
Sau đây là bản đồ thế giới với tỷ lệ bệnh viêm gan A. Dựa theo bản đồ này, Việt Nam và các nước láng giềng có tỷ lệ viêm gan cao nhất thế giới. Vì thế, hầu như tất cả chúng ta, nếu sinh trưởng tại quê nhà, có lẽ đều bị lây bệnh viêm gan A trong quá khứ mà không hề hay biết.
Các thức ăn, nước uống, cũng như bát đũa, dao thìa tại những quầy bán rong thiếu vệ sinh có thể là nguyên nhân chính đưa đến sự lan tràn bệnh viêm gan A (và E) một cách tự do và nhanh chóng. Tuy nhiên, ngay cả trên nước Mỹ, bệnh viêm gan A tái phát từng chu kỳ như một cơn dịch (epidemic), thông thường cứ 10 năm một lần. Gần đây nhất là vào năm 1995, trên toàn nước Mỹ đã có hơn trăm ngàn người phải chữa bệnh do dịch viêm gan A mang lại trong vòng một vài tháng. Giữa những cơn dịch này, bệnh viêm gan A vẫn tái xuất thường xuyên, gây bệnh tật cho gần 100,000 người mỗi năm trên nước Mỹ. Bệnh lan tràn dễ dàng hơn từ nước này qua nước nọ, từ lục địa này qua lục địa kia, nhờ vào phương tiện di chuyển nhanh chóng và tối tân hiện nay.
Bản đồ sau đây cho thấy những tiểu bang Hoa Kỳ với những tỷ lệ của bệnh viêm gan A. Các tiểu bang như Arizona, Alaska, Oregon, New Mexico, Utah, Washington có tỷ lệ bệnh viêm gan A cao nhất nước Mỹ, với khoảng 30 đến 48 bệnh nhân trong 100,000 người, mỗi năm.
Số năm được báo cáo là có nhiều hơn 10 bệnh nhân viêm gan A cấp tính trên tổng số 100,000 người.
TRIỆU CHỨNG CỦA BỆNH VIÊM GAN A
Virus viêm gan A chỉ gây sưng gan cấp tính (acute inflammation) chứ không tạo nên những biến chứng lâu dài, như sơ gan (fibrosis), chai gan (cirrhosis), hoặc ung thư gan (cancer), như virus viêm gan B, C, và D.
Triệu chứng của bệnh viêm gan A có thể thay đổi tùy theo lứa tuổi của bệnh nhân khi bị lây bệnh. Càng trẻ tuổi chừng nào, bệnh càng nhẹ chừng nấy. Hơn 80% trẻ em dưới 2 tuổi, khi bị lây, thường không có bất cứ một triệu chứng nào. Ngược lại hơn 80% bệnh nhân lớn hơn 6 tuổi sẽ bị bệnh viêm gan A "hành hạ" với những triệu chứng tiêu biểu từ rất nhẹ đến rất nặng. Càng lớn tuổi chừng nào, các triệu chứng của bệnh viêm gan A càng nặng chừng nấy. Và tùy theo sức khỏe của mỗi cá nhân bệnh có thể phát triển thành một trong 5 trường hợp sau đây:
1) Viêm gan thầm lặng (asymptomatic)
2) Viêm gan tiêu biểu (classical hepatitis)
3) Viêm gan với vàng da kinh niên (cholestatic)
4) Viêm gan tái phát nhiều lần (relapsing)
5) Viêm gan ác tính (fulminant hepatitis)
VIÊM GAN THẦM LẶNG
Ðây là trường hợp của hầu hết các thiếu nhi khi bị lây bệnh viêm gan A. Tuy virus sinh sôi nẩy nở nhanh chóng trong cơ thể, các bé này vẫn tiếp tục chơi đùa vui vẻ và vì thế, có thể lây bệnh của mình cho những người chung quanh một cách dễ dàng. Ðây cũng là lý do mà hầu hết tất cả chúng ta, nếu sinh trưởng tại quê nhà đã từng bị lây bệnh trong quá khứ mà không hề hay biết. Ðến khi đi thử máu định kỳ mới biết là mình đã có kháng thể chống lại vi khuẩn viêm gan A.
VIÊM GAN TIÊU BIỂU
Thường từ 15 đến 50 ngày (trung bình khoảng 28 ngày) sau khi bị lây, bệnh nhân đang khỏe mạnh bỗng dưng cảm thấy khó chịu, nóng sốt một cách đột ngột. Bệnh phát triển nhanh chóng trong vòng 24 tiếng kèm theo những triệu chứng như buồn nôn khó chịu, đau bụng, biếng ăn, tiêu chảy, đau nhức khớp xương, xuống ký. Một số bệnh nhân da và mắt trở nên vàng. Nước tiểu trở nên đậm mầu. Hơn 90% bệnh sẽ kéo dài từ một vài ngày đến một vài tuần lễ, rồi tự nhiên không cần thuốc men gì đặc biệt bệnh cũng từ từ giảm dần trong một vài tuần kế tiếp. Triệu chứng đôi khi rất nhẹ và mơ hồ nên có thể bị nhầm lẫn với những cơn cảm cúm sơ sài. Bệnh thường không hề gây trở ngại gì đáng kể trong công ăn, việc làm hàng ngày của người có bệnh. Khác với viêm gan B và C, bệnh viêm gan A không bao giờ đưa tới viêm gan mãn tính, và sẽ không bao giờ gây ra bệnh chai gan và ung thư gan. Nếu thử máu trong thời gian vàng da (jaundice), enzyme của gan như chất ALT sẽ tăng rất cao trong một thời gian ngắn .
Viêm gan A tiêu biểu (classical hepatitis A). Trường hợp này xẩy ra thường xuyên nhất. Sau khoảng 8 tuần lễ năng chất của gan trở lại hoàn toàn bình thường.
Viêm gan với vàng da kinh niên
Trong trường hợp này, bệnh nhân cũng bắt đầu bằng những triệu chứng tiêu biểu kể trên. Nhưng da và mắt của họ vẫn tiếp tục bị vàng, mặc dầu năng chất gan dần dần bình thường hóa trở lại. Sự vàng da kinh niên này có thể kéo dài từ một đến 3 tháng. Bệnh nhân thường "trong tươi, ngoài héo", ngược lại của "trong héo, ngoài tươi". Tuy bề ngoài rất vàng vọt, họ có thể cảm thấy mỗi ngày một khỏe hơn. Tuy trông họ rất bệnh tật, vi khuẩn viêm gan A đã không còn tăng trưởng trong cơ thể của họ nữa. Vì thế họ không còn khả năng truyền bệnh cho người khác nữa. Kém may mắn thay, vì thiếu hiểu biết, những bệnh nhân này thường bị cô lập hóa và bị "nhốt" trong nhà, sống một cách biệt lập.
Viêm gan A với vàng da kinh niên: Bệnh nhân tiếp tục bị vàng da, mặc dầu năng chất của gan trở lại gần như bình thường.
Viêm gan tái phát nhiều lần
Khoảng 10% bệnh nhân viêm gan A sẽ bị tái phát nhiều lần (relapsing hepatitis). Sau khi tưởng bệnh đã lành, bệnh nhân bỗng dưng bị bệnh trở lại kèm theo những triệu chứng tiêu biểu kể trên kéo dài thêm một vài tuần lễ. Bệnh có thể tái phát một vài lần nữa trước khi hoàn toàn biến mất. Trong một số trường hợp bệnh nhân chỉ cảm thấy mệt mỏi, thiếu năng lực, chóng mệt, dễ kiệt sức, kém ăn, xuống ký trong vòng nhiều ngày tháng. Khi thử máu, chất ALT tăng lên rồi bình thường hóa trở lại theo từng chu kỳ một. Như những trường hợp kể trên, bệnh từ từ hoàn toàn biến mất và không để lại bất cứ một triệu chứng gì lâu dài.
Viêm gan tái phát nhiều lần: Phân hóa tố ALT tăng cao nhiều lần, mặc dầu bệnh nhân không còn vàng da nữa.
Viêm gan ác tính
Khoảng 0.3% bệnh nhân sẽ rơi vào trạng thái này. Tuy hiếm hoi, nhưng một khi xẩy ra bệnh nhân có thể thiệt mạng một cách nhanh chóng. Trường hợp này thường đến với bệnh nhân lớn tuổi mang sẵn trên người nhiều bệnh tật kinh niên khác.
Tóm lại, tuy virus viêm gan A được xem là vi khuẩn "hiền" nhất so với các loại virus viêm gan khác, mỗi năm trên nước Mỹ khoảng 100 người thiệt mạng vì bệnh viêm gan A. Hơn nữa, tuy đa số bệnh nhân có thể tự phục hồi một cách nhanh chóng, một số bệnh nhân kém may mắn hơn (từ 11 đến 22%) phải nhập viện để chữa trị với chi phí từ $1,817 đến $2,459 cho mỗi bệnh nhân.
CÁCH CHẨN ĐOÁN BỆNH VIÊM GAN A
Thử máu vẫn là phương pháp duy nhất để định bệnh viêm gan. Trong thời gian cấp tính, kháng thể HAV-IgM sẽ tăng cao. Nếu dưới kính hiển vi điện tử, người ta có thể nhận diện được hình thù của virus viêm gan A trong máu và phân. Các virus này chỉ trong một thời gian ngắn sẽ bị cơ thể tiêu diệt hoàn toàn, và bệnh nhân sẽ được miễn nhiễm suốt đời. Người được miễn nhiễm (immune) bệnh viêm gan A, sẽ có một số kháng thể (gọi là HAV-IgG) di chuyển khắp nơi trong cơ thể. Các kháng thể này sẽ là những "cảm tử quân" bảo vệ chúng ta trước sự xâm nhập của virus viêm gan A.
Một khi hồi phục, cơ thể chúng ta sẽ có kháng thể chống lại bệnh viêm gan A gần như suốt đời.
Một khi lành bệnh, kháng thể chống lại vi khuẩn viêm gan A (HAV-IgG) sẽ dương tính suốt đời.
CÁCH CHỮA BỆNH VIÊM GAN A
THUỐC UỐNG:
Trong quá khứ nhiều loại thuốc như methionine, choline, chất cốt từ gan (liver extract), thuốc Cortisol, kích thích tố nữ Estrogen, Amatandine v.v. đã được thử nghiệm trong việc chữa trị bệnh viêm gan A cấp tính. Gần đây nhất, một số thuốc mới với khả năng tàn phá các virus loại DNA và RNA trên nhiều phương diện khác nhau cũng được thí nghiệm.
Thí dụ điển hình như Ribavirin, Isoprinosine, Levamisole, v.v. Tiếc thay cho tới nay, vẫn chưa có một phương pháp cũng như thuốc men nào khả quan và hữu hiệu có thể rút ngắn thời gian lành bệnh, một khi virus viêm gan A đã xâm nhập vào cơ thể người bệnh.
GAMMA GLOBULIN
Ðây là chất đề kháng lấy từ huyết tương của người khác để truyền thẳng vào máu bệnh nhân. Thuốc chỉ hiệu nghiệm nếu được truyền vào máu trước khi bệnh nhân tiếp xúc với virus viêm gan A hoặc trong vòng 2 tuần lễ sau khi bị lây bệnh. Vì thế, thuốc này được dùng để ngừa bệnh hơn là chữa bệnh. Tuy nhiên chất đề kháng này tương đối mắc tiền và có thể mang lại nhiều phản ứng phụ trầm trọng.
TỊNH DƯỠNG:
Một số người cho rằng bệnh nhân viêm gan A cấp tính nên nghỉ ngơi và không nên làm việc quá nặng nhọc. Họ nên thay đổi cách thức ăn uống trong một thời gian ngắn. Nên tránh những thức ăn quá nhiều dầu mỡ. Nên tẩm bổ với những thức ăn và nước uống chứa nhiều chất đường (sugar) hoặc chất bột (starch). Nên ăn khoảng 3,000 đến 4,000 calories mỗi ngày, trong thời gian bị bệnh. (Trung bình chúng ta chỉ cần khoảng 1.800 đến 2.200 calories mỗi ngày, tùy theo tuổi tác và nghề nghiệp cũng như phái giới.)
Ngược lại, một số bác sĩ tin rằng, bệnh nhân viêm gan cấp tính không bắt buộc phải nằm nghỉ một chỗ. Họ có thể tiếp tục hoạt động như thường lệ. Nhưng tránh những công việc quá nặng nhọc, nhất là đối với bệnh nhân lớn tuổi hoặc kém cường tráng. Nếu không bị buồn nôn, họ có thể tiếp tục ăn uống bình thường và không cần kiêng cữ thức ăn nhiều dầu mỡ. Ðể biết thêm chi tiết xin đọc bài Dinh Dưỡng cho Người Bệnh Viêm Gan.
ĐIỀU TRỊ TRIỆU CHỨNG (SYMPTOMATIC TREATMENT)
Như những bệnh cảm cúm thông thường, đa số những bệnh viêm gan A không cần chữa tự nhiên cũng hết. Nếu cần, quý vị có thể dùng một số thuốc như Tylenol khi bị đau nhức, Pepto-bismol, Imodium nếu bị tiêu chảy, hoặc thuốc nhét hậu môn (suppositories) như Tigan, Compazine, v.v., trong lúc nôn ói. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên dùng thuốc trong những trường hợp bất khả kháng mà thôi. Càng ít chừng nào, càng tốt chừng nấy. Uống thuốc khi gan đang bị viêm cấp tính không khác hơn là "châm dầu vào lửa". Tuyệt đối không được uống thuốc an thần, thuốc ngủ hoặc thuốc có chứa chất rượu. Những phương pháp cổ truyền như đấm bóp (massage), ấn huyệt (acupressure), xoa dầu nóng, cạo gió (coin rubbing), xông hơi (steam bath), châm cứu (acupuncture) nếu được ứng dụng đúng cách có thể thuyên giảm một số triệu chứng như đau nhức, khó chịu, buồn nôn, ói mửa, v.v. mà không gây ảnh hưởng xấu đến lá gan. Hãy tham khảo kỹ lưỡng với bác sĩ của mình mỗi lần dùng các loại thuốc khác nhau, ngay cả khi uống các loại dược thảo.
KHI NÀO CẦN NHẬP VIỆN:
Nếu bệnh nhân bị đau bụng, buồn nôn, ói mửa liên tục và không ăn uống được; họ cần nhập viện để chữa trị. Thuốc men và thức ăn sẽ được truyền qua đường nước biển, giúp cơ thể của họ chóng phục sức hơn. Nếu gan bị tàn phá một cách quá mãnh liệt như trong trường hợp viêm gan ác tính (fulminant hepatitis), bệnh nhân cần được chuyển về những trung tâm y khoa đại học để được ghép gan (liver transplant). Tóm lại, cách thức chữa bệnh viêm gan A cấp tính thay đổi theo từng trường hợp, tùy vào tình trạng sức khỏe của mỗi bệnh nhân và cũng như kinh nghiệm hành nghề của người y sĩ. Vì bệnh viêm gan A dễ lây nhất trong thời gian TRƯỚC khi phát bệnh, nên bệnh có thể lây lan rất nhanh. Một khi bệnh nhân đã có những triệu chứng như vàng da, bệnh không còn lây nữa. Vì thế, họ không cần phải nằm riêng biệt trong những phòng đóng kín. Như viết ở trên, viêm gan A không gây ra bệnh viêm gan kinh niên và không đưa đến chai gan hoặc ung thư gan.
CHÍCH NGỪA VIÊM GAN A
Chích ngừa (vaccination) là cách thức bảo vệ cơ thể chúng ta không bị lây bệnh truyền nhiễm. Hiện nay trên nước Mỹ, với những cuộc vận động chích ngừa viêm gan A qui mô hơn, người ta hy vọng sẽ đạt được 3 mục tiêu sau đây: a) bảo vệ người được chích không bị lây bệnh, b) giảm thiểu sự bành trướng của bệnh bằng cách ngăn cản sự truyền bệnh (transmission), và c) diệt trừ hoàn toàn căn bệnh (complete elimination).
AI CẦN CHÍCH NGỪA VIÊM GAN A?
Trong nhiều năm vừa qua, bệnh viêm gan A giảm dần trên nước Mỹ. Phần lớn là nhờ vào cải tiến hệ thống cầu cống, thủy nông cũng như nâng cao mức sống trên mọi phương diện. Nhà cửa rộng rãi và vệ sinh hơn, thành phố đỡ chen chúc hơn, sông hồ đỡ ô uế hơn, thực phẩm được kiểm soát kỹ lưỡng hơn, v.v. Tuy thế, viêm gan A vẫn tiếp tục là một trong những mối ưu tư của bộ y tế Hoa Kỳ. Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Bệnh Tật (Centers for Disease Control and Prevention viết tắt là CDC) khuyên rằng những người sau đây nên chích ngừa viêm gan A:
1) Tất cả các trẻ em lớn lên từ các tiểu bang có tỷ lệ bệnh viêm gan A cao hơn bình thường như Arizona, Alaska, Oregon, New Mexico, Missouri, Texas, Utah, Washington, Arkansas.
2) Các trẻ em lớn lên trong những cộng đồng hoặc địa phương với tỷ lệ viêm gan A cao hơn bình thường. Ðiều này có nghĩa là các con em chúng ta đang sống trong cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại, cần được chích ngừa bệnh viêm gan A. Thông thường nên chích cho các em từ 2 tuổi trở lên.
3) Tất cả những du khách hoặc nhân viên làm việc thường trú tại những nước có tỷ lệ viêm gan cao hoặc tương đối cao. Nếu dựa theo bản đồ thế giới hình số 2-2, trang số 4, trong đó có tất cả các nước Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ La-tin, phía đông Châu Âu v.v. Khi chích thuốc, cần phải chích ít nhất 4 tuần lễ trước khi đi du lịch.
4) Người Việt Nam trưởng thành tại quê nhà, có lẽ đã bị lây bệnh trong quá khứ, nên đã được miễn nhiễm. Nhưng nếu trong máu chưa có chất kháng thể HAV-IgG, họ nên chích ngừa để tránh bị lây bệnh. Những trẻ em trưởng thành tại Hoa Kỳ, không cần thử kháng thể HAV-IgG trước khi đi chích ngừa.
PHƯƠNG PHÁP CHÍCH NGỪA:
Có hai phương thức chích ngừa:
1) Chích ngừa chủ động (active vaccination): chích thuốc để huấn luyện cơ thể chúng ta cách thức tự chế tạo ra kháng thể (Immune Globulin, viết tắc là IG).
2) Chích ngừa thụ động (passive vaccination): hóa giải virus bằng kháng thể (IG) của người khác. Ðây là phương pháp chích ngừa tạm thời mà thôi.
CHÍCH NGỪA CHỦ ÐỘNG
Hiện nay có 2 loại thuốc chích ngừa viêm gan A: thuốc HAVRIX của hãng SmithKline và VAQTA do hãng Merck bào chế. Tuy cách thức chế tạo không hoàn toàn giống nhau, 2 loại thuốc này đều rất công hiệu. Thuốc được dùng cho bệnh nhân từ 2 tuổi trở lên. Thông thường chỉ cần chích 2 lần, mỗi lần cách nhau từ 6 đến 12 tháng. Khoảng 94% đến 100% bệnh nhân sẽ được miễn nhiễm một tháng sau mũi chích đầu tiên. Nếu được chích thêm mũi thứ 2, kết quả sẽ tốt đẹp hơn và sự miễn nhiễm sẽ kéo dài lâu hơn. Có lẽ ít nhất là 7 đến 8 năm trở lên, nếu không muốn nói là suốt đời. Sau khi được chích ngừa, bệnh nhân không cần phải thử máu để xem có kháng thể hay chưa.
HAVRIX
Tuổi tác Số lần chích Thời gian chích Số lượng thuốc
Trẻ em từ
2 đến 18 tuổi 2 lần 0 và 6 - 12 tháng 720 ELISA đơn vị
3 lần 0, 1 và 6 - 12 tháng 360 ELISA đơn vị
Người lớn > 18 tuổi 2 lần 0 và 6 - 12 tháng 1440 ELISA đơn vị
VAQTA
Tuổi tác Số lần chích Thời gian chích Số lượng thuốc
Trẻ em từ
2 đến 17 tuổi 2 lần 0 và 6 - 12 tháng 25 đơn vị
Người lớn > 17 tuổi 2 lần 0 và 6 - 12 tháng 50 đơn vị
Vì cơ thể cần thời gian để học hỏi cách thức chế tạo kháng động tố, bệnh nhân phải chích ngừa ít nhất là 4 tuần lễ trước khi đi du lịch đến những nước với tỷ lệ bệnh viêm gan A rất cao. Nếu bắt buộc phải đi gấp, họ nên chích ngừa bằng phương pháp thụ động.
CHÍCH NGỪA THỤ ÐỘNG
Ðây là cách thức chích ngừa cấp tốc, khi bệnh nhân cần được bảo vệ ngay lập tức hoặc cho trẻ em dưới 2 tuổi. Trong phương pháp này một ít chất đề kháng (Immune Globulin) sẽ được chích thẳng vào mạch máu hoặc bắp thịt. Tôi thường chích vào vai (deltoid) hoặc chích mông (gluteal) hơn là chích thẳng vào mạch máu. Số lượng thuốc là 0.02 ml/kg. Chất đề kháng được bào chế từ huyết tương (plasma) của nhiều người hiến máu khác nhau. Nhưng nhờ vào kỹ thuật bào chế tối tân, thuốc trở nên rất tinh khiết và chưa hề lây bệnh truyền nhiễm cho bất cứ một ai.
Thuốc chích ngừa được xem là rất an toàn, nên ngay cả những người mẹ trong lúc thai ngén hoặc khi cho con bú vẫn có thể chích được. Chỉ trong một ít trường hợp kém may, một số bệnh nhân có thể bị một vài phản ứng phụ hoặc biến chứng như đau nhức, nổi ngứa, ngất xỉu, v.v. Ðiều này hiếm khi xẩy ra.
Phương pháp chích ngừa này được ứng dụng cho những trường hợp sau đây:
a) Sau khi tiếp xúc với người có bệnh, như trong những trường hợp bệnh viêm gan A bộc phát tại các trường học hay vườn giữ trẻ (Kindergarden).
b) Du lịch đến những nước dễ lây bệnh trong vòng một tháng.
Cả 2 trường hợp kể trên, nếu bệnh nhân trên 2 tuổi nên chích thêm thuốc Havrix hoặc VAQTA.
NHỮNG CÁCH THỨC PHÒNG NGỪA BỆNH VIÊM GAN A
Nếu chưa được chích ngừa, hoặc nếu quý vị chưa có kháng thể chống vi khuẩn viêm gan A, quý vị nên để ý những điều sau đây:
1) Rửa tay bằng xà-bông trước và sau mỗi lần dùng nhà cầu hoặc thay tã cho con em.
2) Rửa tay cẩn thận trước khi và sau khi ăn cũng như làm bếp.
3) Các bát đĩa của bệnh nhân phải được rửa sạch sẽ.
4) Tránh quan hệ tình dục với người bệnh viêm gan A (trong thời gian ủ bệnh).
Tóm lại, viêm gan A là một bệnh rất dễ lây, nhưng không gây ra viêm gan kinh niên. Bệnh tuy "hiền" hơn viêm gan B, C và D, bệnh cũng có thể trở thành ác tính. Nếu không nguy hiểm, bệnh cũng có thể làm những ngày tháng du lịch của chúng ta trở nên kém vui. Tất cả chúng ta nếu chưa được miễn nhiễm, nên chích ngừa càng sớm càng tốt. Khi được miễn nhiễm, đề kháng HAV-IgG sẽ dương tính. Một số bệnh nhân vẫn hiểu lầm là họ đang bị bệnh viêm gan A khi thấy trong máu của mình có chất đề kháng này.
Nguồn bác sĩ đa khoa