Hỏi đáp về Tiểu són, tiểu không tự chủ
Hỏi :
"Tôi mắc bệnh tiểu không tự chủ, tiểu són. Xin bác sĩ hướng dẫn cách khắc phục".
Trả lời:
Có 2 nguyên nhân gây tiểu không tự chủ, còn gọi là són tiểu:
- Hệ thống đóng bàng quang (gồm các cơ thắt bàng quang, niệu đạo và các cơ tầng sinh môn) bị suy yếu, bàng quang sa xuống thấp. Gặp ở phụ nữ đã sinh đẻ nhiều hoặc đã có lần sinh con quá lớn (trên 4 kg), ở người chơi một môn thể thao nặng hoặc đã qua một phẫu thuật tại tầng sinh môn. Đây là chứng són tiểu cố sức, chiếm 80% các trường hợp. Khi làm việc nặng, thậm chí khi ho, hắt hơi mạnh, bệnh nhân són ra vài giọt nước tiểu.
Điều trị: Chủ yếu là tập luyện, làm mạnh lại các cơ tầng sinh môn và đẩy bàng quang lên, do thầy thuốc chuyên về phục hồi chức năng hướng dẫn thực hiện. Có thể tập luyện bằng kích thích điện qua đường âm đạo. Phương pháp chữa trị không đau này có khả năng mang lại hiệu quả khá cao và lâu bền. Việc phẫu thuật chỉ đặt ra với những phụ nữ bị són tiểu quá nặng, phục hồi chức năng thất bại.
- Bàng quang dễ bị kích động; khi đầy, bàng quang tự động co bóp ngoài ý muốn, gây són tiểu. Điều trị bằng các loại thuốc kháng muscarin nhằm tác động trên các điểm cảm thụ gây co bóp bàng quang, làm giảm tần số co bóp và cải thiện khả năng lưu giữ nước tiểu của bàng quang.
Để bảo vệ chức năng bàng quang, phụ nữ cần lưu ý:
- Sau khi sinh con, nên đi khám trương lực cơ tầng sinh môn, có kế hoạch tập luyện nếu cần.
- Trong ngày, nên tập co các cơ tầng sinh môn nhiều lần.
- Mỗi ngày một lần tập kìm hãm tia tiểu, khi đang tiểu tự giữ dòng tiểu trong vài giây rồi tiểu tiếp.
- Tránh rặn tiểu trước khi buồn tiểu hoặc lại cố nhịn khi đã muốn tiểu.
- Hằng ngày vẫn cần uống đủ nước (tối thiểu 1,5 l) vì có nhịn uống cũng không tránh được són tiểu.
Một số bài tập khác giúp giảm triệu chứng tiểu không tự chủ :
Theo một nghiên cứu của bác sĩ Jean Hay Smith, thuộc trường Đại học Y Otago ở Wellington, New Zealand, qua khảo sát 6.181 phụ nữ cũng cho biết những bài tập co thắt cơ vùng sàn chậu có tác dụng ngăn chận và cải thiện những triệu chứng són tiểu hoặc TKTC ở những phụ nữ có thai hoặc sau khi sinh.
Trên thực tế, những người TKTC có thể tuần tự thực hành 2 bước đơn giản sau:
- Thư giãn. Ngồi kiết già, bán già, xếp bằng trên phản hoặc ngồi trên ghế chân chạm đất. Tập trung tư tưởng vào hơi thở. Hít thở bằng mũi. Hít vào sâu đến bụng dưới, thở ra từ từ cho đến cuối hơi trong khi buông lỏng toàn thân. Thì thở ra chậm và dài hơn thì hít vào. Tuần tự từ hơi thở này đến hơi thở khác. Cách thở nầy sẽ giúp người bệnh thư giãn vừa thần kinh và cơ bắp, tiến đến sự hợp nhất giữa tinh thần và thể xác, gia tăng khả năng kiểm soát hoạt động của bàng quang, cũng là yếu tố giúp việc quán tưởng được thuận lợi. Thực hành từ 5 đến 10 phút mỗi lần. Mỗi ngày 2 lần lúc bụng trống.
- Co thắt và quán tưởng. Sau mỗi lần tập thư giãn có thể tập tiếp bài tập co thắt và quán tưởng. Ngồi trên phản, thẳng lưng, có thể hơi ngả người về phía sau, 2 bàn tay tựa trên 2 đầu gối.
Hít vào sâu, nín hơi và co thắt mạnh từ 3 đến 5 lần các cơ vùng sàn chậu, nhất là cơ vùng sinh dục trước khi thở ra và buông lỏng toàn thân (co thắt giống như nín nhịn khi đang đi tiểu).
Thở điều hoà vài phút trước khi làm lại lần thứ hai hoặc thứ ba.
Khi co thắt, chú ý chuyển động thu vào trong, hướng lên trên và nén chặt.
Có thể quán tưởng đang ngồi truớc một đống sỏi, hút vào và nén chặt một viên sỏi nhỏ vào âm hộ mỗi lần co thắt.
Tập trung sự chú ý vào lớp cơ bao quanh niệu đạo, không quan tâm đến các cơ khác.
Không tập trong khi đi tiểu. Khi đã tập quen, người bệnh có thể gia tăng số lần co thắt và cường độ co cơ qua thời gian.
Nghiên cứu ở Mỹ cho biết, tuỳ theo người, kết quả luỵện tập thường đến sau từ 2 đến 8 tuần.
Tham khảo :
Sức khỏe đời sống
Contracting pelvic floor muscles preventing urine leakage before and after pregnancy. www.sciencedaily.com Ykhoa.net
Bác sĩ đa khoa ( T.h)