Cục Đào tạo với nước ngoài trân trọng thông báo danh sách 31 ứng viên trúng tuyển học bổng đi học Sau đại học, 05 ứng viên trúng tuyển trình độ Đại học, 01 ứng viên trúng tuyển trình độ Cao đẳng và 01 ứng viên trúng tuyển trình độ Trung cấp.
Xem kết quả trúng tuyển Học bổng Nhật Bản tại đây: Download
Các ứng viên ứng tuyển gửi bản cam kết (theo mẫu đính kèm) và bản photo hộ chiếu về Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội.
Thông tin chi tiết về danh sách trúng tuyển trình xin mời xem tệp đính kèm.
Giới thiệu về đất nước Nhật Bản:
Nhật Bản – đất nước mặt trời mọc – đã từng được biết đến với một nền văn hoá đa dạng, đặc sắc. Một đất nước có hoa anh đào ngập sắc xuân với những cô gái duyên dáng trong bộ KIMONO truyền thống, những bàn tay thanh thoát khéo léo trong nghệ thuật trà đạo độc đáo, nghệ thuật cắm hoa IKEBANA, nghệ thuật gấp giấy ORIGAM.
Xã hội Nhật Bản có các nét đặc biệt về văn hoá giao thiệp. Người Nhật thường cúi chào bằng cách gập người xuống và độ hạ thấp tùy thuộc địa vị xã hội của cả hai người. Đây là một dấu hiệu quan trọng để tỏ lộ sự kính trọng. Một nét phong tục khác là việc trao đổi danh thiếp. Mỗi lần giới thiệu hay gặp mặt đều cần tới tấm danh thiếp và việc nhận tấm danh thiếp bằng hai tay là một cử chỉ lễ độ. Tấm danh thiếp được in rõ ràng và không được viết tay lên đó. Trong việc giao thiệp, người Nhật thường không thích trực tiếp và vì thế, việc trung gian đóng một vai trò quan trọng để giải quyết mọi hoàn cảnh khó khăn.
Địa lý
Nhật Bản là một đảo quốc ở Đông Bắc Á, một quần đảo hình cánh cung, có tổng diện tích đất đai vào khoảng 372.000km2 và chiều dài Bắc – Nam là 2.500km do nhiều đảo nhỏ tạo nên. Các đảo Nhật Bản là một phần của dải núi ngầm trải dài từ Đông Nam Á tới Alaska. Nhật Bản có bờ biển dài 37.000 km, có đá lớn và nhiều vịnh nhỏ nhưng rất tốt và đẹp. Đồi núi chiếm 73% diện tích tự nhiên cả nước, trong đó không ít núi là núi lửa, có một số đỉnh núi cao trên 3000 mét, hơn 532 ngọn núi cao hơn 2000 mét. Ngọn núi cao nhất là núi Phú Sĩ (Fujisan) cao 3776 mét. Giữa các núi là các cao nguyên và bồn địa. Nhật Bản có nhiều thác nước, suối, sông và hồ. Đặc biệt, ở Nhật Bản có rất nhiều suối nước nóng, là nơi hàng triệu người Nhật thường tới để nghỉ ngơi và chữa bệnh.
Vì nằm ở tiếp xúc của một số đĩa lục địa, nên Nhật Bản hay có động đất gây nhiều thiệt hại. Động đất ngoài khơi đôi khi gây ra những cơn sóng thần. Vùng Hokkaido và các cao nguyên có khí hậu á hàn đới, các quần đảo ở phương Nam có khí hậu cận nhiệt đới, các nơi khác có khí hậu ôn đới. Mùa đông, áp cao lục địa từ Siberi thổi tới khiến cho nhiệt độ không khí xuống thấp; vùng Thái Bình Dương có hiện tượng gió khô và mạnh. Mùa hè, đôi khi nhiệt độ lên đến trên 30 độ C, các khu vực đô thị có thể lên đến gần 40độ C. Không khí mùa hè ở các bồn địa nóng và ẩm. Vùng ven Thái Bình Dương hàng năm chịu một số cơn bão lớn.
Đất nước Nhật Bản bao gồm bốn hòn đảo chính: Hokkaido, Honshu, Shikoku và Kyushu, cùng với nhóm đảo Ryukyu (Okinawa) và nhiều hòn đảo nhỏ khác. Đảo Honshu được chia thành 5 vùng, tên các vùng lần lượt từ phía bắc là: Tohoku, Kanto, Chubu, Kinki và Chugoku. Khoảng ba phần tư diện tích Nhật Bản là đồi núi, trong đó có rất ít phần đất đai bằng phẳng có thể dùng cho canh tác hoặc phát triển đô thị. Gần 130 triệu dân Nhật Bản sống trên phần diện tích hạn hẹp này. Vì hầu hết diện tích nằm trong vùng khí hậu ôn đới, khí hậu Nhật Bản nhìn chung là ôn hoà, tuy nhiên các mùa khác nhau rất rõ rệt
Khí hậu
Đặc điểm lớn nhất của khí hậu Nhật Bản là có bốn muà Xuân, Hạ, Thu, Đông rõ rệt. Mùa xuân từ tháng Ba tới tháng Năm. Mùa hạ từ tháng Sáu tới tháng Tám. Mùa thu từ tháng Chín tới tháng Mười Một. Mùa đông từ tháng Mười Hai tới tháng Hai. Nhiệt độ mùa đông và mùa hạ chênh nhau tới trên 30 độ. Vào mùa hạ, với nhiệt độ và độ ẩm cao làm cho những người từ đại lục thấy khó chịu. Vào mùa xuân và mùa thu khí hậu rất thoải mái dễ chịu nhưng thời tiết cũng thường thay đổi. Vào đầu mùa hạ, ngoại trừ Hokkaido ra, có mưa nhiều từ tháng Sáu đến giữa tháng Bảỵ Mùa thu cũng tương đối có nhiều mưa. Hơn nữa từ giữa mùa hạ đến đầu mùa thu, có nhiều bão phát sinh ở vùng phía tây của Bắc Thái Bình Dương đổ bộ vào Nhật Bản, đôi khi gây ra nhiều thiệt hạị Ngoài ra các dãy núi chạy dọc chiều dài Nhật Bản phân chia đất nước thành hai phần: phần biển Nhật Bản và phần Bắc Thái Bình Dương. Vào mùa đông phần biển Nhật Bản có nhiều tuyết rơi cũng là một đặc điểm của khí hậu Nhật Bản.
Văn hóa
Văn hoá Nhật Bản là một trong những nền văn hóa đặc sắc nhất thế giới, văn hóa Nhật đã phát triển mạnh mẽ qua thời gian từ thời kỳ Jōmon cho tới thời kỳ đương thời, mà trong đó chịu ảnh hưởng cả từ văn hóa châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ. Nghệ thuật truyền thống Nhật Bản bao gồm các nghành nghề thủ công như ikebana, origami, ukiyo-e, đồ chơi, đồ gỗ sơn mài và gốm sứ; các môn nghệ thuật biểu diễn như bunraku, nhảy, kabuki, nō, rakugo, ngoài ra còn phải kể đến những nét đặc sắc truyền thống khác như trà đạo, Budō, kiến trúc, vườn Nhật và cả gươm Nhật. Ẩm thực Nhật Bản hiện nay là một trong những nền ẩm thực nổi tiếng nhất trên thế giới.
Sự kết hợp của nghệ thuật in khắc gỗ truyền thống với văn hoá phương Tây đã dẫn đến sự ra đời của Manga, một thể loại truyện tranh nổi tiếng cả trong và ngoài nước Nhật. Sự ảnh hưởng của Manga đến thể loại hoạt hình đã dẫn đến sự phát triển thể loại hoạt hình đặc trưng của Nhật có tên gọi là Anime, nhờ sự phát triển vũ bão của Manga và Anime mà các trò chơi game video của Nhật cũng phát triển mạnh mẽ từ thập niên 1980.
Âm nhạc của Nhật Bản đã mượn nhiều nhạc cụ và phong cách từ các quốc gia láng giềng và phát triển thêm các nét đặc trưng của Nhật, điển hình như đàn Koto được giới thiệu vào Nhật từ thế kỷ thứ 9 và 10, hay như thể loại kịch Nō từ thế kỷ 14 và âm nhạc dân gian đại chúng, với những cây đàn như shamisen, được truyền bá tới Nhật từ thế kỷ 16. Âm nhạc phương Tây, được giới thiệu vào Nhật cuối thế kỷ 19, giờ đã trở thành một phần nội tại quan trọng trong văn hoá Nhật Bản.
Karaoke là hoạt động văn hoá phổ biến nhất ở Nhật. Từ tháng 11 năm 1993, cơ quan các hoạt động văn hoá đã tiến hành một cuộc thăm dò, kết luận rằng có nhiều người Nhật hát Karaoke hơn là tham gia vào các hoạt động văn hoá truyền thống như triết hoa hay trà đạo.
Nguồn Bộ giáo dục