Các phác đồ tránh thai khẩn cấp
Theo “Emergency Contraception” Kristina Tocce, Postgraduate Obstetrics and Gynecology, 26(21) November 2006Biện pháp tránh thai khẩn cấp hiện nay được sử dụng phổ biến trên khắp thế giới. Có thể sử dụng nhiều phác đồ khác nhau trong TTKC.
1. Phác đồ chỉ sử dụng progestin
- Levonorgestrel 0,75mg dạng viên uống
- Uống 1 viên càng sớm càng tốt sau khi giao hợp không có biện pháp tránh thai hiệu quả. Bắt đầu uống không quá 72 giờ sau giao hợp (có thể 120 giờ).
- Uống viên thứ hai cách 12 giờ sau.
- Nghiên cứu gần đây cho thấy uống một lúc 2 viên ngay từ đầu cũng có hiệu quả tương đương.
2. Phác đồ phối hợp estrogen-progestin
- 100mcg ethinyl estradiol kết hợp với 0,5mg levonorgestrel. Liều này tương đương từ 4-5 viên thuốc tránh thai thông thường chứa ethinyl estradiol và levonorgestrel (tùy hàm lượng).
- Uống 2 lần liều như trên, cách nhau 12 giờ.
- Bắt đầu uống không quá 72 giờ sau giao hợp (có thể 120 giờ).
3. Sử dụng dụng cụ tử cung
- Dụng cụ tử cung Copper
- Đặt dụng cụ tử cung trong vòng 120 giờ sau giao hợp
4. Phác đồ mifepristol
- Phác đồ này hiện nay chỉ chủ yếu sử dụng ở Trung quốc
Các trường hợp có thề sử dụng biện pháp tránh thai khẩn cấp
Biện pháp tránh thai khẩn cấp nên được sử dụng để tránh thai ở các trường hợp giao hợp không áp dụng biện pháp tránh thai hay tránh thai không hiệu quả.
- Giao hợp không sử dụng biện pháp tránh thai
- “Tai biến” khi sử dụng biện pháp màng chắn (bao cao su, màng ngăn âm đạo…)
- Quên uống thuốc viên tránh thai nhiều ngày
- Tiêm thuốc DMPA trễ hẹn hơn 2 tuần
- Đang tiếp xúc với độc chất, không muốn có thai
Tổ chức y tế thế giới khuyến cáo rằng các phụ nữ có tiền căn thai ngoài tử cung, bệnh tim mạch, bệnh lý gan và phụ nữ đang cho con bú đều có thể sử dụng biện pháp tránh thai khẩn cấp.
Không sử dụng TTKC nếu trong trường hợp đã nghi ngờ có thai. Tuy nhiên, không có bằng chứng cho thấy thuốc TTKC có thể gây hại cho thai.
Cơ chế tác động của tránh thai khẩn cấp
Cho đến nay người ta chưa có cơ chế tác dụng rõ ràng nào của tránh thai khẩn cấp được chứng minh. Thuốc TTKC có thể can thiệp và nhiều giai đoạn trong sinh lý sinh sản người. Người ta cho rằng cơ chế tác động chủ yếu có thể tùy thuộc vào thời điểm giao hợp trước đó và thời điểm sử dụng thuốc trong chu kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, đối với trường hợp đặt dụng cụ tử cung Copper, cơ chế chính có thể là giúp ngăn cản có thai sau khi trứng đã thụ tinh.
Các cơ chế tác động có thể có bao gồm
- Ức chế hoặc làm chậm hiện tương rụng trứng
- Ngăn cản quá trình vận chuyển và thụ tinh trứng của tinh trùng
- Ảnh hưởng đến sự phát triển và vận chuyển của hợp tử và phôi trong vòi trứng
- Làm hoàng thể không duy trì được
- Thay đổi khả năng chấp nhận phôi của nội mạc tử cung hoặc ngăn cản hiện tượng làm tổ của phôi
Hiệu quả của biện pháp tránh thai khẩn cấp
Phác đồ sử dụng progestin (Levonorgestrel) giảm khả năng có thai đến 89%. Phác đồ phối hợp estrogen-progestin làm giảm khả năng có thai 75%. Hiểu quả tránh thai giảm dần nếu sử dụng muộn. Trước đây, thuốc TTKC thường được khuyến cáo sử dụng trong vòng 72 giờ sau giao hợp. Tuy nhiên, một số nghiên cứu gần đây cho thấy thuốc vẫn có hiệu quả nếu sử dụng torng vòng 120 giờ.
Sau khi sử dụng thuốc TTKC, nếu có trễ kinh hơn 1 tuần, cần phải thử thai để xác định.
Đối với phác đồ đặt vòng Copper, hiệu quả tránh thai rất cao. Nếu đặt dụng cụ tử cung Copper trong vòng 120 giờ, khả năng có thai còn từ 0% đến 0,1%. Biện phá này phù hợp với phụ nữ muốn áp dụng một biện pháp tránh thai lâu dài và thích hợp với việc sử dụng dụng cụ tử cung.
Tác dụng phụ
Không có biến chứng nặng nào của TTKC được ghi nhận. Tác dụng phụ buồn nôn và nôn là hay gặp nhất. Nếu nôn trong vòng 2 giờ sau khi uống thuốc, cần phải uống lại. Tác dụng phụ này thường xảy ra hơn và năng hơn ở phác đồ sử dụng nội tiết phối hợp hơn là phác đồ chỉ sử dụng levonorgestrel. Khoảng gần phân nửa số trường hợp sử dụng phác đồ phối hợp nội tiết bị buồn nôn hoặc nôn. Tỉ lệ tác dụng phụ của phác đồ progestin chỉ còn khỏang 1/3 so với phác đồ trên.
Một số tác dụng phụ khác có thể xảy ra, tuy nhiên, ít thấy và thường nhẹ: đau bụng, đau vú, nhức đầu, chóng mặt, mệt.
Biện pháp tránh thai sau khi sử dụng TTKC
Bệnh nhân cần biết rằng hiệu quả tránh thai của TTKC chỉ là ngắn hạn, Nếu vẫn tiếp tục giao hợp không an toàn trong những ngày và tuần sau đó, sẽ có khả năng có thai. Đây chỉ là một biện pháp “cấp cứu”, hiệu quả tránh thai thấp hơn sơ với các biện pháp tránh thai khác. Việc sử dụng TTKC lập đi lập lại nhiều lần không được khuyến cáo. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có nguy cơ về sức khỏe nào liên quan đến việc sử dụng thuốc TTKC nhiều lần được ghi nhận.
Kết luận
TTKC là biện pháp hiệu quả, nên được sử dụng cho các trường hợp giao hợp không tránh thai hay tránh thai không hiệu quả, mà chưa muốn có thai. Hiện nay, hầu như không có chống chỉ định nào cho thuốc TTKC. Phác đồ sử dụng progestin đơn thuần (levonorgestrel) hiệu quả cao hơn và ít tác dụng phụ hơn phác đồ kết hợp estrogen-progestin.
Các phác đồ thuốc TTKC và dụng cụ tử cung Copper đều có hiệu quả nếu sử dụng trong vòng 120 giờ sau giao hợp. Nếu chưa muốn có thai, sau khi sử dụng TTKC, người phụ nữ nên áp dụng một biện pháp tránh thai tiêu chuẩn.
Theo HORSEM
Nguồn bác sĩ đa khoa