Gãy xương cột sống - Nguyên nhân và cách phòng ngừa:
![]() |
Gãy Xương Cột Sống - Hình minh họa |
Gãy xương cột sống có tác hại thế nào?
Xương sống gãy trượt làm giảm khả năng sinh hoạt, làm việc, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ biến chứng làm tê bại, yếu liệt chân.
Khi nói đến gãy xương cột sống, mọi người thường chỉ nghĩ đến các trường hợp xương sống gãy do chấn thương – tai nạn giao thông – té ngã. Thế nhưng, gãy xương cột sống có thể xảy ra mà người bị nạn không hề hay biết.
Nguyên nhân dẫn đến gãy xương sống, nhiều trường hợp hỏi tiền căn chấn thương hoặc té ngã đều không có. Sau khi hỏi thăm kỹ các thường phát hiện nguyên nhân rất bất ngờ, như có bệnh nhân do bị loãng xương nhưng tập thể dục quá nặng không phù hợp (xoay vặn cúi nhanh, mạnh liên tục với tốc độ nhanh, thể dục lắc vòng hay tập aerobic khi tuổi hơn 45…), hoặc do khi massage, nhân viên massage đứng lên lưng người bệnh để day lưng, đã gặp không ít tại phòng khám, hay trường hợp đá banh, chơi tennis khởi động ít, vận động mạnh, nhanh khi cơ căng, té ngồi, không đau nhiều ngay khi té, dần dần đau lưng hoặc dọc chân, khám thì phát hiện gãy xương sống...
Triệu chứng Gãy xương sống:
Biểu hiện của xương sống gãy trượt thường là đau lưng, đau ngang thắt lưng lan sang hai bên xương hông và xương bàn tọa, có thể đau lan xuống đùi và xuống dưới chân, cho cảm giác tê, đau lăn tăn. Lưng cúi xuống bị hạn chế và đau, bắp thịt yếu, mất phản xạ theo đường dây thần kinh L5. Khám bệnh có thể thấy xương sống trên bị trượt ra phía trước tạo một hõm ở lưng, xương sống lưng ưỡn nhiều ra trước. Bắp thịt lưng yếu, đau. Chụp X-quang thấy đốt sống trượt, gãy rời eo xương, tủy sống hẹp.
Xương sống gãy trượt tức là đốt xương sống ở trên bị gãy và trật trượt về trước hay sau so với đốt xương dưới. Có tới 70% xương sống gãy trượt là xương thắt lưng 5; 25% là xương thắt lưng 4. Hậu quả của trượt gãy xương sống gây ép dập sụn sống, đều có thể làm cho xương xê dịch, chèn ép từ vừa đến nặng lên tủy sống và rễ thần kinh, có thể gây dập – đứt dây thần kinh. Nếu trượt xương lâu trước đó có thể gây mọc nhánh theo chiều lớp sụn lòi ra. Nhánh xương có thể cà rách màng ngoài lớp tủy hoặc dây thần kinh.
Phòng ngừa Gãy xương sống:
Trước hết, chúng ta cần biết những nguyên nhân có thể dẫn đến nguy cơ làm gãy trượt xương như đã nêu trên. Bên cạnh đó, cần tập thói quen giữ cột sống thẳng khi làm việc hoặc sinh hoạt.
Biết cách làm việc với tư thế đúng, an toàn cho cột sống lưng và cổ. Nên kiểm soát để kịp thời phòng ngừa và điều trị loãng xương. Đặc biệt, khi phát hiện có triệu chứng bất thường ở đốt sống lưng nên đến cơ sở y tế khám và điều trị kịp thời, tránh chủ quan có thể xảy ra hậu quả đáng tiếc.
Lưu Ý:
Những thông tin y khoa của www.bacsidakhoa.net chỉ mang tính chất tham khảo và không thể thay thế ý kiến chuyên môn. Trước khi sử dụng những thông tin này, đề nghị liên hệ và nhận sự tư vấn của các bác sĩ chuyên môn.